Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

7 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Ngày 13/3/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 5 để tổng kết công tác năm 2023, đề ra phương hướng cho năm 2024.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu toàn Ngành ngoại giao tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên, liên tục cập nhật, phổ biến, quán triệt nghiêm túc các quy định, chỉ thị, hướng dẫn mới về công tác PCTNTC của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban Chỉ đạo; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, chấn chính những khâu, mắt xích yếu, việc khó, còn nhiều vướng mắc; tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu để giải quyết; các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải “thuộc bài”, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của ban Chỉ đạo thành kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị.

Ba là, tiếp tục xây dựng các quy chế, quy trình và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình của Bộ trong 06 tháng đầu năm 2024. Các đơn vị tập trung hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đổi mới lề lối, cách thức làm việc theo hướng khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, phân công, phân nhiệm rõ ràng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, xác định rõ mục tiêu chính của cải cách hành chính và chuyển đổi số là công khai, minh bạch, thuận lợi; đổi mới tư duy quản lý, phương pháp và lề lối làm việc; thực hiện sâu rộng tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi sách nhiễu, làm trái quy định trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Năm là, nghiêm túc quán triệt tinh thần về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 tại Phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương “không được chủ quan, thoả mãn, phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC với một quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn”.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường nắm bắt thông tin, dư luận thông qua các kênh thông tin, các công cụ hợp pháp, phù hợp để phát hiện sớm biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong thực thi công vụ, chức trách của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và xử lý kịp thời các vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Bảy là, phát huy vai trò và trách nhiệm của Cơ quan Thường trực trong tham mưu triển khai, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo; chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu những vấn đề lớn, dài hạn; kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự; tiếp thu các ý kiến liên quan của các thành viên Ban Chỉ đạo nhằm chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tham mưu, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng làm công tác PCTNTC để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác PCTNTC trong thời gian tới./.

Phòng Phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật