Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Diendandoanhnghiep.vn Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng ngày 18/1/2024, có ý nghĩa quan trọng đối với bước phát triển lành mạnh, an toàn của ngành ngân hàng.

Ba nội dung chính quan trọng nhất được sửa đổi tại Luật này là:

Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi (đã được thông qua sáng nay 18/1) hướng đến mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt hơn.

Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi (đã được thông qua sáng nay 18/1) hướng đến mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt hơn. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Giảm giới hạn quyền sở hữu ngân hàng

Theo quy định của Luật các TCTD sửa đổi vừa được thông qua, một cá nhân chỉ sở hữu tối đa 3% vốn điều lệ ngân hàng (so với 5% trước đây); Một tổ chức sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ ngân hàng (so với 15% trước đây); Nhóm cổ đông và các bên liên quan sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ ngân hàng (so với 20% trước đây).

Như vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tổ chức, cá nhân và có liên quan đều điều chỉnh thấp xuống so với Luật các tổ chức tín dụng trước đây, và tỷ lệ được biểu quyết trong Luật sửa đổi khớp đúng với dự thảo và như đại đa số số ý kiến của các Đại biểu đã đóng góp, kiến nghị, cũng như mổ xẻ của các chuyên gia.

Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) đánh giá: Quy định mới có mục đích tốt, nhưng vẫn còn gây tranh cãi về việc tập trung sở hữu cao hay thấp là không tốt cho ngân hàng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của ngân hàng. Hơn nữa, việc sửa đổi này chưa chắc đạt được mục đích mong muốn mà chỉ gây lãng phí thời gian và nguồn lực (đối với việc điều chỉnh quyền sở hữu thực, chi phí giám sát/quản lý).

>>> Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

Ngoài ra, theo nhóm chuyên gia MSVN, tỷ lệ giới hạn sở hữu hiện tại ở Việt Nam đã ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác. Tỷ lệ sở hữu thực 15-20-25% của nhóm cổ đông/các bên liên quan trên thực tế không thể dẫn đến hành vi thao túng ngân hàng.

Mặt khác, điều này cũng sẽ tạo ra rào cản trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Giới hạn tín dụng

Theo quy định của Luật sửa đổi, các ngân hàng có thể cho vay tối đa 10% tổng vốn chủ sở hữu (VCSH) ngân hàng đối với một khách hàng (giảm từ mức 15% trước đây) và 15% tổng VCSH của ngân hàng đối với một nhóm khách hàng và người có liên quan (giảm từ mức 25% trước đây).

Việc cho vay vượt quá mức này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

MSVN cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn (chẳng hạn như Vietcombank – HPG/sân bay Long Thành…).

Theo đó, ngân hàng/người đi vay có thể phải sử dụng nhiều hình thức cho vay hợp vốn hơn.

Can thiệp vào tái cơ cấu ngân hàng 

Luật các tổ chức tín dụng ( sửa đổi) quy định các ngân hàng có lỗ lũy kế vượt quá 15% vốn điều lệ sẽ bị can thiệp sớm. Trong giai đoạn này, các ngân hàng phải tự giải quyết vấn đề của mình.

Cùng với đó, các ngân hàng đang đối mặt rủi ro rút tiền gửi hàng loạt (bank-run) và/hoặc lỗ lũy kế vượt quá 100% vốn điều lệ… sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Như vậy, theo quy định, sẽ không có chuyện sử dụng nguồn lực của Chính phủ hoặc của ngân hàng khác để giải quyết khó khăn của các ngân hàng khi có vấn đề. Theo MSVN, đây là quy định có ý nghĩa rất tích cực, cần buộc lãnh đạo của các ngân hàng đang gặp khó khăn phải chịu trách nhiệm cho hậu quả và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn đảm bảo ngăn chặn nguy cơ rút tiền gửi hàng loạt (bank-run) và đảm bảo vận hành an toàn của hệ thống.

Nhìn chung, MSVN đánh giá, Luật TCTD mới hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động của ngành Ngân hàng, cụ thể là liên quan đến quyền sở hữu, và cho vay các bên liên quan. Việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau.

"Chúng tôi cho rằng đó là những ý định và bước làm để quản lý ngành ngân hàng tốt hơn. Với nhà đầu tư tài chính thì chúng tôi cho rằng nên quan tâm nhiều hơn đến các quy định ảnh hưởng đến yêu cầu về vốn, tính toán rủi ro của ngân hàng, vì đó sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp lên ROE. Với luật TCTD, chúng tôi không thấy gây thay đổi cơ cấu gì cho ROE và cũng chỉ nhằm mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt lên", các chuyên gia khẳng định.