Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Cẩn trọng, tỉnh táo trong thẩm tra, phát hiện kịp thời khả năng tham nhũng pháp luật

|
Views:
Font size: A- A A+
TS. Bùi Ngọc Thanh Qua thẩm tra phải hết sức cẩn trọng, tỉnh táo xem xét kỹ càng Điều giải thích từ ngữ và các Điều có liên quan của dự thảo luật, lật đi, lật lại vấn đề để làm sáng rõ nội hàm. Từ đó, thực hiện đường lối của Đảng tại Đại hội XIII về xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định. Trong điều kiện hiện nay, xin được nhấn đậm tính chất minh bạch của hệ thống pháp luật.

Một số đặc điểm của tham nhũng pháp luật

Trong xây dựng pháp luật, hành vi tham nhũng, tiêu cực theo “nhóm lợi ích” thường diễn ra nhiều hơn so với hành vi tham nhũng cá nhân đơn lẻ và hậu quả là rất nặng nề, vì khả năng tác động của luật pháp có phạm vi rất rộng lớn và hiệu lực rất cao.

Một số đặc điểm của hành vi tham nhũng pháp luật như: một là, tham nhũng pháp luật không chỉ là cá nhân riêng lẻ có chức vụ, quyền hạn mà các cá nhân đó còn cố kết lại thành nhóm người cùng hưởng lợi ích. Hai là, tham nhũng pháp luật về cơ bản không trực tiếp hưởng lợi ngay mà phải thông qua thi hành luật mới thu được lợi ích. Tuy vậy, trong một số trường hợp nhóm lợi ích lại hối lộ trực tiếp cho một số chủ thể có trách nhiệm ở các công đoạn để từng công đoạn được thông qua trót lọt. 

Ba là, sau khi luật được thông qua, lợi ích này tồn tại suốt thời gian tuổi thọ của đạo luật, do đó quy mô lợi ích rất lớn, khó có thể lượng hóa hết được. Bốn là, tham nhũng pháp luật vô cùng khó phát hiện, vì nhiều chủ thể - nhiều người tham gia ở nhiều công đoạn, khó quy kết trách nhiệm và khi luật đã được thông qua thì người ta “đàng hoàng” tham nhũng, tiêu cực dưới danh nghĩa thực thi pháp luật. Năm là, lợi ích quốc gia bị vi phạm, bị chia sẻ ngay từ tầm vĩ mô, không thể khắc phục được một khi luật chưa được sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung.

Trách nhiệm phát hiện và xử lý

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì mỗi dự án luật thông thường đều phải trải qua 6 công đoạn: Đưa vào lập chương trình; soạn thảo luật (gồm cả thẩm định của Chính phủ); thẩm tra dự án luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; Quốc hội thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua; công bố luật.

Nếu phát hiện và ngăn chặn được ý đồ tiêu cực từ khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm là tốt nhất. Song việc này hết sức khó khăn, nên phải đặt trách nhiệm cao cho công đoạn thẩm định của Chính phủ. Vì thế trách nhiệm đầu tiên, rất quan trọng thuộc Chính phủ (chủ thể trình tới hơn 95% các dự án luật). Khi thẩm định, Chính phủ phải cố gắng phát hiện cho được ý đồ tiêu cực - “lợi ích nhóm” (nếu có) trong các dự án luật dự kiến trình Quốc hội. Và nếu có dự án có ý đồ tiêu cực lọt sang đến Quốc hội thì cơ quan thẩm tra phải thực thi nhiệm vụ vô cùng quan trọng này.

Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện hành) lại chưa quy định cụ thể vấn đề trên. Tại Điều 35 về Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có 4 khoản, trong đó khoản 2 quy định đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của chính sách, nhưng không quy định rõ, thẩm định xem chính sách luật có làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực hay không. Tại Điều 65 - Nội dung thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, gồm có 7 khoản về nội dung thẩm tra, nhưng chỉ quy định bổ sung nội dung lồng ghép giới, không quy định gì về việc thẩm tra xem, tác động tích cực như thế nào, tác động tiêu cực ra sao, có khả năng xuất hiện tham nhũng, tiêu cực không. Do đó, một số luật sau khi có hiệu lực thi hành một thời gian đã phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật đã được đặc biệt nhấn mạnh và trên thực tế đang được chỉ đạo sát sao để khắc phục. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) thì Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã chỉ rõ: chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”. Ngay sau đó trong báo cáo số 85/BC-BTNMT ngày 3.8.2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai” đã chứng minh khá rõ ràng nhận định của Nghị quyết số 18 khi chỉ trong 7 năm từ năm 2013 đến năm 2020, qua thanh tra đã phát hiện tổng vi phạm về kinh tế trên 80.886 tỷ đồng và trên 94.849 ha đất..., kiến nghị xử lý hành chính trên 3.700 tập thể, trên 16.200 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 169 vụ, 155 đối tượng(*). 

Vấn đề được đặt ra là, trong các công đoạn thẩm định và thẩm tra một dự án luật phải soi xét xem có chương, mục, điều, khoản nào có thể có kẽ hở để phát sinh “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực không? Căn cứ (cơ sở pháp lý) để có thể thực hiện ngay việc này là: vận dụng quy định tại khoản 2, Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của chính sách. Tác động tiêu cực thì gồm cả hành vi “tham nhũng, tiêu cực”. Trong bối cảnh hiện nay thì thẩm tra xem một dự án luật có làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực hay không, lại là vấn đề số 1. Vì vậy, đây là công việc vô cùng thiết thực và cấp bách.

Về lâu dài, nhiệm vụ này phải được sửa đổi, bổ sung căn bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là: Điều 35 - Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Khoản 2 Điều này, có thể quy định bổ sung như sau: 2- Nội dung đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nói rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp thực hiện chính sách; giải pháp để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật... Điều 65- Nội dung thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Khoản 3 Điều này có thể bổ sung như sau: 3- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; bảo đảm dự thảo văn bản không xuất hiện khả năng phát sinh tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Thẩm định, thẩm tra để phát hiện khả năng phát sinh tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong các dự án luật là không hề đơn giản, vì “nhóm lợi ích” cũng thường là những người có “trình độ”, họ rất khéo léo “cài cắm” vào các điều, khoản của dự thảo luật những từ, những chữ đa ngữ nghĩa. Do đó phải hết sức cẩn trọng, tỉnh táo xem xét kỹ càng Điều giải thích từ ngữ và các Điều có liên quan; lật đi, lật lại vấn đề để làm sáng rõ nội hàm. Dù khó khăn đến đâu cũng phải thực hiện với hiệu quả cao đường lối Đại hội XIII của Đảng về công tác lập pháp: Xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định. Trong điều kiện hiện nay, xin được nhấn đậm tính chất minh bạch của hệ thống pháp luật.

Nguồn https://daibieunhandan.vn