Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Giám đốc Sở Tư pháp trả lời chất vấn của đại biểu về công tác tư pháp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Chiều ngày 12/12/2023, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lần thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX, Giám đốc Sở Tư pháp có nội dung trả lời chất vấn của đại biểu, cử tri về công tác tư pháp.

           Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật nói chung và sự gia tăng của một số tội phạm nói riêng là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả còn chưa cao, việc tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng. Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới.

Ảnh Đ/c Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc Sở Tư pháp - Đại biểu quốc hội khóa XV - tỉnh Bắc Giang

           Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong thời gian qua công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU thì công tác PBGDPL đã có chuyển biến rõ rệt, tích cực hơn đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế nhất định, trong đó có hạn chế là công tác PBGDPL một số nơi còn hình thức, chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, chưa sâu rộng như đại biểu đã nêu.

           Nguyên nhân của hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu đó là: (i) Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là người đứng đầu còn chưa quan tâm đúng mức; chưa xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chưa có sự quan tâm sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; còn có tư tưởng coi nhiệm vụ này là của riêng ngành tư pháp; (ii) Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại một số địa phương còn chưa tích cực, hiệu quả chưa cao. Một số ngành ủy viên Hội đồng chưa phát huy vai trò trong công tác PBGDPL; (iii) Nguồn nhân lực thực hiện còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vẫn còn mỏng, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Chưa có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên kiêm nhiệm. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật mới được chú trọng tổ chức ở cấp tỉnh; (iv) Kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho công tác này ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức; (v) Một bộ phận cán bộ, người dân chưa chủ động, tích cực tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

         Xác định rõ công tác PBGDPL là trách nhiệm và nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa phát huy cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước và là cơ quan thường trực HĐPHPBGDPL chưa có giải pháp mang tính đột phá để khắc phục triệt để hạn chế, tồn tại cũng như nâng cao hiệu quả công tác này.

            Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là sự quan tâm của người đứng đầu đối với công tác này, triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật PBGDPL và Chỉ thị 13/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bố trí, bảo đảm các điều kiện, nhất là nguồn nhân lực và kinh phí cùng các điều kiện cần thiết khác cho công tác PBGDPL. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ BCV, tuyên truyền viên pháp luật. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và cấp huyện ngày càng thực chất hơn. Tiếp tục đổi mới nội dung, lựa chọn đối tượng PBGDPL theo hướng phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm. Thường xuyên đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. Đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Kết hợp chặt chẽ PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

             Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thời gian qua còn một số hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của một số sở, ngành và UBND cấp huyện còn hạn chế, mang tính hình thức; việc tổ chức các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực đã xác định được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua theo dõi thi pháp luật chậm được khắc phục. Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp thời gian tới.

           Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng vấn đề đại biểu nêu là đúng. Trong thời gian qua, mặc dù Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, từ việc xây dựng hoàn thiện thể chế, bố trí các điều kiện về kinh phí, cơ sở, vật chất, nhân lực đến xây dựng và tổ chức các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Đã tham mưu BTVTU ban hành Chỉ thị số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức THPL trên địa bàn tỉnh, UBND, Chủ tịch UBND ban hành nhiều văn bản QPPL và văn bản hành chính để tăng cường công tác TDTHPL trên địa bàn tỉnh.... Có thể khẳng định, việc triển khai các hoạt động theo dõi được thực hiện bài bản ngày càng đi vào nề nếp góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các ngành, lĩnh vực và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, công dân.

            Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua vẫn còn một số hạn chế như đại biểu đã nêu.

           Về nguyên nhân của hạn chế trên, Giám đốc Sở cho biết, về khách quan: Về thể chế, hiện nay công tác này mới quy định ở tầm Nghị định, nội dung theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP rộng và phức tạp, các tiêu chí chưa rõ ràng, cụ thể, mang tính định tính. Bộ Tư pháp cũng chưa ban hành quy định Khung tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Hiện nay chưa có quy định chế tài đủ mạnh để xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ kiến nghị sau TDTHPL nên chưa tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Đa số các địa phương, sở, ngành đều chưa bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động theo dõi THPL. Về chủ quan: (i) Các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác TDTHPL do đó chưa quan tâm sâu sát, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định. Chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc ban hành, triển khai công tác TDTPL thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương, đơn vị. Có cơ quan, địa phương thực hiện mang tính hình thức. (ii) Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra TDTHPL, chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kiến nghị, nhất là với những tồn tại, hạn chế được đã được chỉ ra. Đồng thời chưa chủ động, kịp thời, tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra dẫn tới việc một số hạn chế, tồn tại chậm được khắc phục. (iii) Đội ngũ công chức, viên chức tham mưu thực hiện công tác theo dõi THPL ở các Sở, ngành và UBND cấp huyện hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi, còn thiếu về số lượng; một số công chức tham mưu thực hiện công tác theo dõi THPL có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác TDTHPL còn hạn chế, chưa chủ động, tích cực nên công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ chưa đầy đủ, kịp thời. (iv) Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các kiến nghị sau theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật đã được Sở Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện tốt hơn, song vẫn chưa thực sự quyết liệt.

        Xác định trách nhiệm cụ thể, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng nhiệm vụ TDTHPL trước hết là trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành tại địa phương và của cơ quan Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên các chủ thể nêu trên đã thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, song chưa thực sự toàn diện, đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả do vậy công tác TD THPL vẫn còn một số hạn chế.

             Để khắc phục những hạn chế đại biểu đã nêu và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TDTHPL trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp đã khẳng định với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường hơn trong công tác tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác trọng tâm này, nhất là việc sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu trong việc thực hiện kiến nghị sau theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời Giám đốc Sở Tư pháp đã nêu 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện như: (i) Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP, đặc biệt Chỉ thị số 06/CT-TU ngày 05/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND, Quyết định số 501/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác theo dõi THPL, nhất là việc thực hiện kiến nghị sau TDTHPL. (ii) Tiếp tục nhận thức đầy đủ và quan tâm hơn tới công tác TDTHPL; thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác theo dõi THPL; mỗi sở, ngành và UBND cấp huyện phải chủ trì tổ chức theo dõi THPL ít nhất 01 lĩnh vực thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý, đảm bảo các hoạt động theo dõi thực chất, hiệu quả theo quy định. Kịp thời xem xét, giải quyết các vấn đề “nóng” trong thi hành pháp luật ở lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý để kịp thời xem xét, đánh giá việc thi hành và có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường thực hiện nghiêm pháp luật. (iii) Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác theo dõi THPL. Bố trí công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để triển khai đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và thực hiện công tác theo dõi THPL nói riêng tại cơ quan, đơn vị, địa phương. (iv) Thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và xử lý hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định. Đồng thời nghiên cứu đưa nội dung thực hiện các kiến nghị sau TDTHPL nói riêng và công tác TDTHPL nói chung là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu (hiện nay tiêu chí về công tác TDTHPL là đã được đưa vào một trong các tiêu chí chấm điểm CCHC). (v) Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác TDTHPL giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và với MTTQ, TAND, VKSND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

           Nội dung trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tư pháp nhận được sự đồng tình cao của đại biểu, cử tri, thể hiện rõ trách nhiệm, quyết tâm của ngành trong việc chủ động có giải pháp khắc phục các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp nói chung và công tác PBGDPL, TDTHPL nói riêng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

                                           Phòng Phổ biến và Theo dõi thi hành pháp luật

Thư viện ảnh Thư viện ảnh