Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Hiệp Hòa kiểm tra, giám sát công tác hòa giải ở cơ sở

|
Views:
Font size: A- A A+
Thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-PTP-MTTQ-BDV ngày 14/02/2022 giữa Phòng Tư pháp - Ủy ban MTTQ huyện và Ban Dân vận Huyện ủy về nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn huyện Hiệp Hòa; Kế hoạch số 13/KH-TP ngày 28/02/2022 của Phòng Tư pháp về thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-PTP-MTTQ-BDV; trong tháng 9/2022, Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện tiến hành kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác hòa giải ở cơ sở đối với 08 xã. Đoàn kiểm tra, giám sát do đồng chí Hoàng Thị Phương - Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm Trưởng đoàn.

Các đơn vị được kiểm tra, giám sát trực tiếp gồm: Hoàng Vân, Hoàng Thanh, Ngọc Sơn, Lương Phong, Mai Đình, Xuân Cẩm, Hùng Sơn và Quang Minh; 17 xã, thị trấn còn lại được giám sát thông qua báo cáo. Thời điểm giám sát: từ ngày 01/01/2020 đến 30/7/2022.

Qua kiểm tra, giám sát thấy: Công tác hòa giải ở cơ sở đã được Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn quan tâm, tổ chức thực hiện và xác định là nhiệm vụ trọng tâm; chất lượng đội ngũ hòa viên đã từng bước được nâng lên; nhiều hòa giải viên có trách nhiệm, tâm huyết trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; nhiều vụ việc tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư đã được hòa giải thành... Hiện nay, toàn huyện có 181 tổ hòa giải ở các thôn, tổ dân phố với 1.254 hòa giải viên. Trong kỳ kiểm tra, giám sát, các xã, thị trấn đã tiếp nhận và hòa giải thành 443/543vụ việc, đạt tỷ lệ 81,6%; đã bố trí kinh phí và chi 181.261.000 đồng cho công tác hòa giải.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải chưa đồng đều; có 04 xã chậm kiện toàn Tổ hòa giải (Xuân Cẩm, Thái Sơn, Hoàng Thanh, Đoan Bái); có nơi việc bầu, kiện toàn tổ hòa giải chưa đảm bảo; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được cấp xã quan tâm; còn nhầm lẫn giữa phạm vi hòa giải của Tổ hòa giải với hoạt động hòa giải tại UBND cấp xã (Đông Lỗ); còn tình trạng hòa giải đảm bảo thủ tục để chuyển cơ quan cấp trên; kinh phí chi cho công tác hòa giải chưa đúng, đủ theo quy định, hầu hết chưa bố trí mục chi riêng trong dự toán (trong kỳ giám sát, có 02 xã không thực hiện chi cho hoạt động hòa giải; 20 xã, thị trấn đã thực hiện chi nhưng không đầy đủ, chưa đảm bảo theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh)...

Kết thúc kiểm tra, giám sát, Ủy ban MTTQ huyện đã ban hành Thông báo kết luận, theo đó, đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời, đã kiến nghị Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn thực hiện việc đưa công tác hòa giải ở cơ vào chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các chi bộ; kiến nghị UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên; phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn nhằm giải quyết các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn phát sinh và vượt cấp; tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện đúng quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và trình tự thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định./.

                                                         Ngô Thị Dung - Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa