Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Hiệp Hòa tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác hòa giải cơ sở

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng. Cùng với thời gian, công tác hòa giải ngày càng được khẳng định và phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống, góp phần củng cố mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác hòa giải và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã được thành lập đều khắp các các thôn, tổ dân phố. Toàn huyện hiện có 182 tổ hòa giải, với 1.243 hòa giải viên. Chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội, hạn chế các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội chưa quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; hoạt động của một số tổ hòa giải có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ; đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều, thành phần tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa đa dạng...

Để nâng cao vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU ngày 24//8/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nhất là người đứng đầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, trong đó quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ hòa giải; hằng năm, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời đưa nội dung này thành tiêu chí xếp loại thi đua đối với chi bộ. Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo UBND cùng cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải; tập trung chỉ đạo các lĩnh vực dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp như quản lý đất đai, cấp giấy CNQSD đất, thu hồi đất, bồi thường, hõ trợ giải phóng mặt bằng, trật tự giao thông, xây dựng, quản lý tài chính... Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải cơ sở, đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay của các tổ hòa giải nhằm đạt mục tiêu hàng năm có hơn 90% tổ hòa giải hoạt động tốt, hơn 85% vụ việc hòa giải thành. Chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân huyện trong việc triển khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành công ở cơ sở theo quy định. UBND các xã, thị trấn chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở, lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải trong xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; thực hiện việc sơ kết, tổng kết đánh giá ưu điểm, hạn chế, khen thưởng và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở để các Tổ hòa giải cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; từng bước đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, mức chi bồi dưỡng đối với các vụ việc hòa giải thành cho hòa giải viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động sự tham gia, đóng góp của xã hội vào công tác này.

Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp và các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở; hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải; đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên, chú trọng tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; định kỳ tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi; tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, khen thưởng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở và Kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Phương Nhung- Cổng TTĐT huyện Hiệp Hòa