Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Tham nhũng thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ”, "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực... Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không cần tham nhũng".

 

Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII đang diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng đã quyết định kỷ luật cách chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; thống nhất để ông Điểu Kré, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông, thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Ban Bí thư cũng vừa quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc.

Đây là 4 Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, cho thấy Bộ Chính trị, BCHTƯ rất quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Với ông Lê Đức Thọ, Trung ương chỉ ra những sai phạm rất nghiêm trọng. Theo đó, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

 

Với ông Trịnh Văn Chiến, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.

Với ông Điểu Kré, đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Điểu Kré.

Đọc những thông tin này của BCHTƯ, cho thấy các Ủy viên Trung ương này vi phạm rất nghiêm trọng kỷ luật Đảng, đặc biệt về trách nhiệm nêu gương, như kê khai tài sản không trung thực (ông Lê Đức Thọ). Với ông Trinh Văn Chiến và Điểu Kré là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 hôm 30/6/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong thông báo: Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ”, "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Cần phát hiện sớm nguy cơ tham nhũng

Sáng 03/10/2023, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới - thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp. Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An khẳng định nội chính, PCTN, tiêu cực là một nội dung, bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông An cho rằng cần tiếp cận 3 nền tảng cơ bản gồm pháp luật, kinh tế và văn hóa để công cuộc PCTN có thể làm từ gốc.

Trong đó, cần hoàn thiện, xây dựng pháp luật chặt chẽ hơn dẫn đến "không thể" và pháp luật xử lý nghiêm sẽ giải quyết được "không dám". Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng nguồn thu, chế độ, chính sách với công chức được nâng lên bảo đảm sẽ giải quyết vấn đề "không cần". Còn từ văn hóa, giáo dục để sinh ra con người có lòng tự trọng nên "không muốn".

PGS.TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng phần lớn câu chuyện tham nhũng gắn với yếu tố kinh tế. Nếu không gắn với Việt Á thì làm sao có một loạt các vị phải ra tòa. Đó là sự ràng buộc đến một doanh nghiệp làm ăn bất chính. Rồi liên quan đến bất động sản, đất đai, rất nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật cũng vì câu chuyện đó cả. Đó là sự câu kết giữa những người có quyền và có tiền để trục lợi. "Do đó, phải nắm vững kinh tế thị trường định hướng xã hội để phát hiện kịp thời nguy cơ”, PGS.GS Thông nêu.

Vấn đề khác là công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Hiểu gốc đó, Đảng luôn luôn xác định: Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Và trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Từ quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 8 lần này tiến hành thảo luận về quy hoạch BCHTƯ khóa XIV. Đảng luôn xác định cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kế hoạch số 17 về xây dựng quy hoạch BCHTƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Đây là vấn đề rất hệ trọng vì trong năm 2022, BCHTƯ đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức Đảng; có 10 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII tới nay, đã có 12 Ủy viên BCHTƯ Đảng đương chức bị kỷ luật hoặc cho tôi chức, trong đó có một số bị khởi tố, tạm giam như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh. Đó là những con số rất đau lòng nhưng cũng nói lên tính nghiêm minh của pháp luật, quyết tâm làm trong sạch bộ máy, quyết tâm PCTN của Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mặt khác với số lượng Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật nhiều như vậy cũng làm người dân giảm lòng tin vào cán bộ, đảng viên với công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng.

Một vấn đề khác là cần phải tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đảng viên khi vào Đảng không chỉ phải trải qua giai đoạn rèn luyện, phấn đấu, không chỉ phải thề trước Đảng. BCHTƯ Đảng cũng đã ban hành rất nhiều quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cấp cao. Rất nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về PCTN, tiêu cực khẳng định quyết tâm kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng vì sao vẫn có những cán bộ, đảng viên không thực hiện, không làm theo. Vì sao số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý ngày một nhiều hơn?

Yêu cầu tính nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và được phát động thành phong trào sâu rộng, nhưng vì sao một số đảng viên không chuyển biến.

Ví dụ rõ nhất là trường hợp của ông Lê Đức Thọ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, vì sao lại kê khai tài sản không đúng sự thật? Khối tài sản của ông Thọ có được từ đâu cũng là câu hỏi mà cơ quan chức năng sẽ trả lời. Hay cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, ông Điểu Kré - cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông lại vi phạm về đạo đức lối sống, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Còn tại Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ từ 2010 - 2020 bị Bộ Chính trị kỷ luật. Hai nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong thời kỳ này cũng bị kỷ luật từ mức khiển trách tới khai trừ Đảng. Một cựu Chủ tịch khác và hai cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều cán bộ, cựu cán bộ tỉnh này đã phải hầu tòa trong các vụ án khác nhau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, nhắc nhở, yêu cầu tính nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao, càng phải tiên phong, gương mẫu: "Các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì còn nói được ai?". Lời nhắc nhở đó cùng với việc ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất, hy vọng là những lời cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ, đảng viên dù ở bất kỳ cương vị nào.

Chống tham nhũng đã thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược

"Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận".

"Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".

(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022).

 
 
 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh