Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí: Thực trạng và giải pháp

|
Views:
Font size: A- A A+
(Thanh tra) - Đó là tên đề tài khoa học cấp cơ sở do ThS Hoàng Diệu Anh, Trưởng phòng Thư ký Biên tập, Báo Thanh tra, làm chủ nhiệm được tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện đề cương nghiên cứu vào chiều 8/6.
ThS Hoàng Diệu Anh, Trưởng phòng Thư ký Biên tập, Báo Thanh tra trình bày nội đề cương đề tài. Ảnh: TH

Theo Chủ nhiệm Đề tài, báo chí Việt Nam là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội và chính trị của đất nước. Hiện nay, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực (TC) trong xã hội…

Bên cạnh đó, có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) TC. Điều này được quy định rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với PCTNTC cũng được thể hiện tại Điều 9 Luật PCTN 2005, quy định “cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN”.

Trong bối cảnh PCTNTC là cuộc đấu tranh chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì các cơ quan báo chí và các nhà báo được xem là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.

Hiện nay, các cơ qua báo chí ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự cạnh tranh với các nền tảng công nghệ, tin giả tràn lan, kinh tế báo chí... 

“Việc tiếp cận, khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn từ phía cơ quan Nhà nước, nhất là các thông tin liên quan đến các sai phạm, công tác PCTNTC. Việc đăng tải thông tin còn chưa kịp thời, thậm chí có sai lệch về thông tin, tạo dư luận không tốt. Hành lang pháp lý cho việc tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin chưa hoàn thiện; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa rõ ràng; ý thức đạo đức của một bộ phận người làm báo chưa cao; còn thiếu sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền... Điều đó làm giảm vai trò của báo chí trong PCTN” - Chủ nhiệm Đề tài nói.

Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí: Thực trạng và giải pháp” là cần thiết.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

ThS Hoàng Diệu Anh chia sẻ, đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề chính: Lý thuyết về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí; cơ sở chính trị, pháp lý cho việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin của báo chí trong PCTN của cơ quan báo chí; thực tiễn việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin PCTN của cơ quan báo chí.

Ngoài ra, các cơ quan hành chính Nhà nước là đối tượng có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định 09/2017, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động báo chí cũng là đối tượng nghiên cứu của đề tài.

Về nội dung chi tiết, đề tài nghiên cứu 3 nội dung: Nội dung 1: Cơ sở lý luận về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí. Nội dung 2: Thực trạng việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí. Nội dung 3: Quan điểm, giải pháp bảo đảm việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị đề cương của Chủ nhiệm Đề tài; các nội dung đưa ra logic, đã nêu bật được tính cấp thiết của đề tài; các đề mục rõ ràng, phù hợp với một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở.

Để hoàn thiện đề cương chi tiết, đề nghị Ban Chủ nhiệm gộp thành 3 nội dung chính:

Tại phần 1 của Chương 1, khái quát thông tin về PCTN và hoạt động thông tin báo chí về PCTN.

Phần 2 của Chương 1 nêu quan điểm, đặc điểm, phương thức về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí.

Phần 3 của Chương 1 nêu tác động các yếu tố về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí trong đó đánh giá 5 yếu tố, bao gồm: Yếu tố chính trị pháp lý, điều kiện kinh tế - xã hội; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cung cấp thông tin; năng lực đạo đức của người làm báo và sự tham gia của xã hội và người dân trong việc khai thác về PCTN.

Chương 2 cần khái quát tình hình tham nhũng và thông tin về PCTN; nêu thực tiễn việc tiếp cận khai thác và đăng tải thông tin và PCTN theo trục pháp luật quy định như các cơ quan cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước và cần đánh giá chung về việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về PCTN của cơ quan báo chí.

Chương 3: Các đại biểu đồng ý với nội dung Ban Chủ nhiệm trình bày. Tuy nhiên, cần tập trung vào việc các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước trong việc chia sẻ thông tin về PCTN với cơ quan báo chí…

Nguồn https://thanhtra.com.vn/Thái Hải