Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của xây dựng, chỉnh đốn Đảng

|
Views:
Font size: A- A A+
Trong năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra; góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.

Đây là một trong những kết quả nổi bật được khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chủ động tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế về kiểm soát quyền lực

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo và tình hình trong nước sau 3 năm đại dịch có nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đi qua hơn một nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhiều nỗ lực lớn, đạt những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao đời sống của Nhân dân, qua đó tiếp tục tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai khẳng định khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội nghị
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội nghị

Tán thành với báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh và làm rõ hơn 4 kết quả nổi bật đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ qua cũng như trong năm 2023 của ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Trong đó, kết quả nổi bật đầu tiên, đó là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh thành đã nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, khẩn trương kiện toàn bộ máy và hoàn thiện các quy định, quy chế, đưa các hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào nề nếp, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm qua, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo và tính từ khi thành lập đến nay, đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng, tăng gần 2 lần so với năm 2022 và tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Điển hình trong số này là các ban chỉ đạo, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Gia Lai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Tuyên Quang... Đặc biệt, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý; nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo “chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng”, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Đạt được những kết quả như vậy, theo Thường trực Ban Bí thư, đã thể hiện quyết tâm cao của nhiều ban chỉ đạo cấp tỉnh, trực tiếp là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy với nhiệm vụ được giao là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương. Đồng thời, khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, các vụ án, vụ việc kéo dài nhiều năm được đưa ra xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Kết quả nổi bật tiếp theo, đó là với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương 18 đề án lớn; và không chỉ dừng ở lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tham mưu các chủ trương, giải pháp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là các cơ chế về: kiểm soát quyền lực; chỉ đạo phối hợp để phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn dư luận xã hội quan tâm…, góp phần tăng cường sự đồng bộ, thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong xử lý, kỷ luật của Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự, bảo đảm vừa nghiêm minh, vừa nhân văn đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Riêng với công tác tham mưu chiến lược, đến nay, ngành nội chính Đảng đã đạt được “kết quả lớn mà chưa nhiệm kỳ nào làm được”, đó là đã tham mưu ban hành 3 Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong tố tụng, khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử; kiểm soát quyền lực trong các cơ quan kiểm tra, thanh tra và kiểm toán; và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ[1]. “Chúng ta chuẩn bị và ban hành tiếp 2 Quy định nữa về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công”. Nêu rõ điều này, Thường trực Ban Bí thư cho biết: “5 Quy định này hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Chúng ta nói rất nhiều về việc kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng đây mới là “lần đầu tiên các quy định của Đảng được ban hành, làm cơ sở để tiếp tục thể chế hóa quy định đối với vấn đề kiểm soát quyền lực, đặc biệt không chỉ kiểm soát quyền lực mà còn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác này”, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ. Và quan trọng nhất, phải “làm sao để các quy định của Đảng đi vào cuộc sống, cho thấy rõ đây là quyết tâm của Đảng, và quyết tâm đó phải được thể hiện ra bằng Quy định, có như vậy mới đáp ứng được niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng”. Trong nỗ lực và quyết tâm chung đó, năm 2023, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu, ban hành khoảng 5.000 văn bản để các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, tạo điều kiện để đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, triển khai có hiệu quả ở các địa phương.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời nhiều vấn đề sát với thực tiễn, tạo bước đột phá mới

Một kết quả nổi bật nữa, như khẳng định của Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, đó là không chỉ triển khai nhiệm vụ theo phân công, mà ngành nội chính của Đảng, nhất là Ban Nội chính Trung ương, đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời nhiều vấn đề sát với thực tiễn, tạo bước đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như trong thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Toàn ngành đã tập trung tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, góp phần tạo bước tiến mới, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả ở Trung ương và địa phương.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

Cùng với đó, công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Ban Nội chính Trung ương đã ban hành Kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW và Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với một số Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để kiểm tra, đôn đốc công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh quốc gia và các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát đã tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.  

Quan tâm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Ghi nhận những kết quả nổi bật đã đạt được, song Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ, qua báo cáo và phát biểu tại Hội nghị cho thấy, còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Thực tiễn vừa qua cho thấy, kết quả đạt được chưa thực sự đồng bộ và ở một số nơi, chất lượng, hiệu quả chưa bảo đảm. “Nơi này, nơi kia, việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, quyết tâm cao, có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích và phần nào ở địa phương có tình trạng người này bao che cho người kia; một số địa bàn vẫn để xảy ra vụ việc lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế nêu trên, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Ban Nội chính Trung ương và các địa phương cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những vi phạm để có giải pháp khắc phục tốt hơn. Đồng thời, quan tâm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực xảy ra vi phạm phổ biến thời gian qua.

 “Làm sao phải tạo được khuôn khổ pháp lý cần thiết, vạch ra "ranh giới đỏ" để cán bộ không bước qua, bước qua là thấy sợ, không để lờ mờ, không rõ ràng”, đồng thời cũng “tạo khuôn khổ để cán bộ dám nghĩ, dám làm không e ngại, không dám làm”, Thường trực Ban Bí thư lưu ý. Đặc biệt, theo Thường trực Ban Bí thư, “từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu nói đi đôi với làm, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Chỉ còn 2 năm nữa, chúng ta sẽ kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Do tác động của đại dịch Covid- 19, khó khăn chung của thế giới và trong nước, đến nay, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đạt được, nhưng cũng còn một số nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa hoàn thành. Do đó, “2 năm còn lại phải là 2 năm tăng tốc để tiếp tục hoàn thành Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng vững chắc cho Đại hội XIV của Đảng”. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay tham nhũng; phối hợp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân; thực hiện đồng bộ biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; coi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Những điểm này chúng ta đang làm, làm được nhiều việc hiệu quả, và giờ tiếp tục đẩy mạnh”, Thường trực Ban Bí thư nói.

[1] Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23.9.2019, của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11.7.2023 về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27.10.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

 
Nguồn https://daibieunhandan.vn/Anh Phương