Thứ sáu, 10 Tháng 05 Năm 2024
Chi tiết nội dung hỏi đáp:
Câu hỏi: [Bạn có biết] Chứng thực bản sao có giá trị bao lâu?
Nội dung: Khi nộp hồ sơ hành chính, nhiều cơ quan, tổ chức từ chối các bản sao chứng thực có thời hạn quá 03 tháng hoặc 06 tháng. Vậy chứng thực bản sao có giá trị bao lâu?
Người gửi: .
Ngày hỏi: 22/06/2023
Trả lời của: Ngày trả lời: 22/06/2023
Nội dung:

Chứng thực bản sao có giá trị bao lâu?

Chứng thực bản sao có giá trị bao lâu là vấn đề mà rất nhiều độc giả thắc mắc. Và câu trả lời được quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:

- Bản sao chứng thực từ bản chính có giá trị thay thế cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch trừ trường hợp có quy định khác.

- Chứng thực chữ ký có giá trị chứng minh việc người yêu cầu chứng thực chữ ký đã ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của văn bản.

- Bản sao cấp từ sổ gốc có giá trị thay thế cho bản chính trong các giao dịch trừ trường hợp có quy định khác.

Theo quy định này, có thể thấy, không có bất kỳ giới hạn nào về thời gian có hiệu lực của bản sao được chứng thực. Đồng nghĩa, bản sao không có hạn sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp, căn cứ vào bản chính mà có các thời hạn với bản sao chứng thực sau đây:

- Vô thời hạn: Đây là thời hạn trong các trường hợp thông thường khi bản chính cũng không có thời hạn trừ trường hợp bản chính bị huỷ bỏ, thu hồi... Ví dụ như: Bảng điểm, bằng cử nhân…

- Có thời hạn nhất định: Bản chính là các loại giấy tờ có thời hạn thì thời hạn của bảo sao chứng thực cũng có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.

Ví dụ:

(1) Mặc dù Phiếu lý lịch tư pháp không quy định cụ thể có thời hạn bao lâu nhưng một số pháp luật chuyên ngành yêu cầu phiếu này được cấp trong không quá 90 ngày (với hồ sơ xin nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam) hoặc không quá 06 tháng (với hồ sơ xin nhận con nuôi trong nước)…

(2) Chứng minh nhân dân. Chứng minh nhân dân hiện có thời hạn sử dụng là 15 năm. Do đó, bản sao chỉ có giá trị trong khoảng thời gian giấy này còn hiệu lực sử dụng.

- Trường hợp đặc biệt: Những giấy tờ thường có biến động hay thường có thay đổi trong quá trình sử dụng thì các cơ quan, tổ chức thường yêu cầu bản sao được chứng thực trong thời hạn 06 tháng hoặc 03 tháng để đảm bảo cập nhật đầy đủ, chính xác nhất tình trạng biến động của giấy tờ.

Đồng thời, trong các trường hợp này, cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải xuất trình bản gốc để đối chiếu các thông tin trong bản chứng thực và bản chính.

Thủ tục chứng thực bản sao mới nhất 2023

Bên cạnh giải đáp vấn đề “chứng thực bản sao có giá trị bao lâu”, bài viết cũng trình bày chi tiết thủ tục chứng thực bản sao mới nhất căn cứ Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:

- Hồ sơ cần chuẩn bị: Người yêu cầu phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản.

- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện: Phòng tư pháp cấp huyện; Uỷ ban nhân dân cấp xã; Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác; công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng.

- Địa điểm chứng thực: Không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu mà người yêu cầu có thể đến bất cứ địa phương nào thuận tiện cho việc chứng thực bảo sao giấy tờ, tài liệu.

- Thời hạn giải quyết: Ngay trong ngày làm việc sau khi tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo nếu yêu cầu được tiếp nhận sau 15 giờ. Nếu cần gia hạn khi chứng thực nhiều loại giấy tờ hoặc bản chính có nhiều trang… thì kéo dài thêm không quá 02 ngày làm việc hoặc theo thoả thuận giữa các bên.

- Chi phí phải nộp: Phí chứng thực bản sao từ bản chính là 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở đi thu 1.000 đồng/trang nhưng không quá 200.000 đồng/bản theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh