Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2022 được thông qua ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 thay thế Luật Thi đua, khen thưởng 2003; Đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, chế định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và công tác cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Trong những năm qua, phong trào thi đua trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp, các ngành quan tâm phát động sôi nổi gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; các phong trào có sự đổi mới về hình thức và nội dung, nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thực hiện phong trào thi đua của Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua khen thưởng, Ban Dân tộc đã chủ động triển khai các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Phát động Thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức làm công tác dân tộc thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, các chính sách an sinh xã hội gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; Thi đua gắn với các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn mạnh mẽ cán bộ, công chức, người lao động tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt. Tích cực xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới trên lĩnh vực công tác dân tộc.

Phát động phong trào thi đua công tác dân tộc hàng năm theo phương châm hành động của UBND tỉnh; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến lĩnh vực công tác dân tộc hàng năm; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; phát động phong trào thi đua “Nụ cười công sở” trong công chức, người lao động hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025. Phong trào thi đua trong lực lượng những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025… Phát động Thi đua đến toàn thể công chức, người lao động làm công tác dân tộc thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, các chính sách an sinh xã hội gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; Tham gia ủng hộ hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024). Hàng năm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh; chương trình vận động xây nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo tại tỉnh Điện Biên do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động…

Để các phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp, công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến lĩnh vực công tác dân tộc được quan tâm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, lần thứ nhất năm 2023. Hội nghị diễn ra từ ngày 29-30/11/2023 đã biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tổng số 220 tập thể, cá nhân, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 30 cá nhân; Trưởng Ban Dân tộc tặng Giấy khen cho 20 tập thể, 90 cá nhân, 70 cá nhân tại Hội nghị cấp huyện. Tỷ lệ khen thưởng đối với cá nhân là người lao động trực tiếp chiếm trên 90%, đang sinh sống, làm việc tại các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh. Hội nghị cấp huyện được tổ chức ở 05 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang.

Có thể thấy, công tác thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ chính trị, là đòn bẩy, khơi dậy tính sáng tạo, phát huy trí tuệ, năng lực, tính tích cực của mỗi cá nhân và tập thể. Quan tâm đến công tác khen thưởng thường xuyên, đặc biệt là khen thưởng thành tích đột xuất, chuyên đề, nâng cao tỉ lệ khen thưởng tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp. Chú trọng bồi dưỡng, phát hiện, tạo điều kiện, giúp đỡ, khen thưởng người lao động trực tiếp tại cơ quan Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc các huyện và UBND các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, thực sự đi vào lòng dân trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, nhiều điển hình tiên tiến được khen thưởng. Nhờ đó, đã có sức tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt khó vươn lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều đổi thay, tạo không khí phấn khởi, thi đua trong các tầng lớp nhân dân; an ninh quốc phòng được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường./.

Chu Trang